1. Bệnh rám má là gì?
Rám má (Chloasma) là một hiện tượng tăng sắc tố, thường xuất hiện ở mặt nhất là hai bên gò má. Bệnh có cả ở hai giới, nhưng phụ nữ gặp nhiều hơn. Bệnh tuy lành tính, không gây tử vong nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến tâm sinh lý và thẩm mỹ của người bệnh đặc biệt là phụ nữ.
Người mắc bệnh rám má trên má xuất hiện các vết tăng sắc tố màu nâu, nâu đen, xanh đen, màu sắc có thể không đồng đều, vết nám nhẵn, không có vảy, không ngứa, không đau, thường khu trú ở hai bên gò má, thái dương, trán, mũi, quanh miệng.
2. Nguyên nhân dẫn đến rám má
Ở những người bị bệnh rám má, số lượng tế bào sắc tố hoàn toàn bình thường, nhưng do rối loạn nội tiết tố đặc biệt là Estrogen làm cho tế bào sắc tố tăng cường sản xuất ra sắc tố Melanin, và các sắc tố này được tăng cường vận chuyển sang các tế bào thượng bì vì vậy làm tăng sắc tố của da. Bên cạnh đó, các đại thực bào cũng di chuyển lên thượng bì và thực bào các sắc tố sau đó di chuyển và khu trú ở trong, thậm chí cả dưới hạ bì. Chính vì thế, trên lâm sàng vừa có rám má khu trú ở trung bì vừa có rám má khu trú ở cả trung bì và thượng bì hay còn gọi là rám má hỗn hợp.
Người ta cũng cho rằng rám má là một bệnh da tăng sắc tố có nguyên nhân là do nội tiết. Do vậy bất kể nguyên nhân nào ảnh hưởng tới nội tiết của cơ thể đều có thể làm phát sinh rám má, đặc biệt các nội tiết tố sinh dục như: Androgen, Estrogen, Progesteron,… Ngoài ra, một số loại Hoóc-môn khác cũng có thể làm phát sinh bệnh như Hoóc-môn tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến yên…
3. Điều trị rám má
Điều trị rám má và các sạm da khu trú bằng các sản phẩm chứ thành phần: Hydroquinon 2 – 4%, acid Azelaic, vitamin A acid, corticoid, kem chống nắng với thời gian điều trị ít nhất là 6 tháng, các thuốc này có thể bôi đơn thuần hay phối hợp với 1 hoặc 2 loại khác nhau tùy theo chỉ định của bác sĩ.
*Chú ý: Bôi kem chống nắng phải được 30 phút trước khi ra nắng, kể cả hôm trời râm, bôi mỡ corticoid chỉ dùng không quá 10 ngày. Nếu có tác dụng phụ ngừng ngay thuốc để điều chỉnh phác đồ điều trị sao cho phù hợp nhất.
Kết hợp dùng một đợt kháng sinh phổ rộng nếu có viêm nhiễm (viêm phần phụ, viêm xoang, họng, ổ nhiễm trùng sâu…).
Phối hợp với các biện pháp khác như: Ngừng dùng thuốc tránh thai nếu như đang sử dụng, hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và sử dụng các biện pháp bảo vệ khác khi ra nắng.
Điều trị nội khoa kết hợp với Laser, sử dụng các loại laser đặc hiệu cho sắc tố đem lại hiệu quả nhất định. Phương pháp này hoạt động dựa trên cơ chế sử dụng ánh sáng kết hợp thuốc đặc trị để tác động lên hắc tố melanin, từ đó phân hủy thành những hạt liti và loại bỏ chúng ra ngoài theo cách tự nhiên. Ngoài loại bỏ nám, điều trị bằng laser còn kích thích sự phát triển của các tế bào da, giúp da sau khi điều trị trở lên láng mịn, căng bóng chỉ sau 1- 2 tuần. Tuy nhiên, laser có tác dụng làm mất sắc tố tạm thời nhưng không có khả năng điều trị khỏi vĩnh viễn.
4. Phòng ngừa rám má
Để tránh bệnh phát sinh:
– Bảo vệ bằng đội mũ rộng vành, đeo kính, áo dài khi ra nắng.
– Bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài trời 30 phút.
– Tránh tái phát: không sử dụng thuốc tránh thai.
– Điều trị các ổ viêm nhiễm.
– Thường xuyên kiểm tra sức khỏe, phát hiện các rối loạn nội tiết.
– Sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya, bia rượu nhiều, không hút thuốc lá, ăn nhiều hoa quả, thức ăn có nhiều vitamin và khoáng chất.
– Hạn chế sử dụng mỹ phẩm, tiếp xúc trực tiếp với các chất tẩy rửa, nhất là ở vùng mặt.
Cho đến nay chưa có phương pháp nào điều trị khỏi hoàn toàn rám má. Việc điều trị rám má là sự kết hợp tổng thể của nhiều yếu tố khác nhau và thường xuyên liên tục, nếu không nám sẽ quay trở lại.